Mỵ Châu Mỵ Nương

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Mỵ Châu Mỵ Nương

Chính vì chúng ta không hiểu mọi thứ là vô thường: Có rồi Mất. Kế đến là chúng ta không biết mọi thứ đều do các điều kiện mà có. Có rồi cũng để mất. Chúng ta không biết, không chấp nhận được sự thật này. Cho nên có được cái gì là mình nắm, mình ôm chặt cái đó. Mình nghèo thì yêu đời theo kiểu nhà nghèo, mà mình giàu thì mình yêu đời theo kiểu của người nhà giàu.

Trong kinh kể có một ông vua ngồi trong cung vào buổi trưa. Trời đang nắng nóng. Ông nhìn ra thấy có một anh nhà nghèo mặc xà lỏn, ở trần, vừa đi vừa hát nghêu ngao, mặt mày đỏ ké như tôm luộc nhưng rất vui. Vua ngạc nhiên vì trời đang nóng, mình được hầu hạ bởi bao nhiêu cung nữ mà còn bực bội, vậy mà thằng nhà nghèo làm gì mà nó vui dữ. Vua mới kêu lính gọi vào hỏi vì sao trời nóng như đổ lửa mà sao anh vui thế. Anh ta đáp:

"Dạ nóng chứ, nhưng hạ thần làm nghề gánh nước mướn, mỗi ngày để dành một chút. Thần vui là vì nếu có được hai đồng vàng thì sẽ cưới được vợ. Mà nay thần đã để dành được gần hai đồng vàng rồi! Mỗi lần để dành được một chút là đem chôn giấu liền."

Vua mới hỏi:

"Vậy nếu Trẫm cho ngươi một ngàn đồng vàng, ngươi có thích không?"

"Dạ tất nhiên là thích."

Vua mới hỏi thêm :

"Cho ngươi làm vua như trẫm, người thích không?"

"Dạ thích!"

Vua mới nói:

"Đất nước này có hai phần. Một phần giáp biển, một phần giáp núi. Nếu mà cho ngươi, ngươi lấy phần nào?"

Anh nhà nghèo gãi đầu nói:

"Lấy phần nào có chôn hai đồng vàng..."

Nghĩa là trong đầu của anh nhà quê, cái đầu ảnh đã dính vô hai đồng vàng đó rồi, không rời được. Đến độ cho lên làm vua thì ảnh vẫn chọn phần đất chỗ ảnh chôn hai đồng tiền vàng.

Trong Kinh nói thế này: Tâm thức phàm phu luôn luôn có dán keo; đụng đâu đính đó. Đó là lý do chúng sanh được gọi là satta. Chữ này có nhiều nghĩa. Một trong những cái nghĩa là "đụng đâu dính đó". Nói cách đơn giản là ngủ thì thôi, nhưng hễ thức là bắt đầu con mắt tìm cái để nhìn; lỗ tai tìm cái để nghe.

Trong Kinh đức Phật dạy rằng: Có 6 con vật: chim , cá, chồn, cáo, rắn, rít. Đem 6 con này nhốt vào một chỗ thì khi có cơ hội là con chim tìm cách bay lên bầu trời, con cá tìm cách nhảy xuống nước, chồn cáo thì về hang, rắn rít thì về lùm bụi. Cũng vậy, 6 căn của mình chỉ cần có dịp là mắt tìm cái để nhìn. Trong khi nhìn mà gặp cảnh vừa ý là nó dính liền. Tai luôn trong tình trạng tổng động viên, có dịp là bắt lấy âm thanh liền. Chính vì 6 căn luôn trong tình trạng chực chờ như vậy nên chúng ta thích thú đủ thứ. Và vì thích đủ thứ mà mình muốn được, và khi được rồi thì sợ mất. Đó là tập khí phiền não. Thói quen nhiều đời như vậy. Cho nên hôm nay chúng ta cứ mong là được cái này, đừng mất cái kia. Lúc nào cũng mong được và được. Mặc dù những cái được đó có rồi mất. Chừng nào mất rồi tính. Đầu tiên là mong được trước đã.

Chữ khổ trong đạo Phật nói cho rốt ráo, nó không dừng lại ở chỗ cảm giác mà nó nằm trong bản chất. Bản chất bất toàn thì gọi là khổ. Chứ không cần đợi đến lúc mình chảy nước mắt mới gọi là khổ. Bản chất bất toàn là "unsafe". Trong bài thơ Lỡ Bước Sang Ngang miêu tả tâm trạng người con gái sắp đi lấy chồng, phản ánh đúng 3 cái khổ trong Nhà Phật nói. Tức là mai này bước chân về nhà chồng, chưa biết ra sao. Bến nhà chồng, rồi bản thân người chồng, rồi bản thân mình những ngày tháng tới sẽ như thế nào? Chuyện đó chưa nói, chỉ nói là làm thân con gái, đêm nay là đêm cuối cùng còn ở với mẹ với em. Ngày mai là cả một tương lai tối thui xa vời; không lường trước được. Bản thân sự bất trắc bất toàn ấy được gọi là khổ trong đời người con gái đứng trước mười hai bến; không biết ngày mai mình sẽ về bến đục hay trong.

Dòng chảy luân hồi cũng y chang như vậy. Hôm nay chúng ta được cái này, cái kia, nhưng đâu ai biết trong một tích tắc nữa, trong một giờ đồng hồ nữa, một ngày nữa, mình sẽ trôi về đâu!

Không phải đợi làm thân gái đi lấy chồng làm dâu xứ lạ mới là khổ. Ngay trong mỗi đời sống nam phụ lão ấu, chúng ta đều là những cô dâu đang chờ về làm dâu xứ lạ. Chúng ta đọc chuyện Trương Chi Mỵ Nương, Trọng Thủy Mỵ Châu, chúng ta tưởng đó là chuyện hư cấu xa vời không có liên quan gì mình. Xin thưa tất cả từng người trong chúng ta ở đây đều là những Trọng Thủy Mỵ Châu. Chính vì giao phó niềm tin của mình cho Trọng Thủy mà Mỵ Châu đã làm mất nỏ thần. Còn chúng ta giao phó niềm tin của mình cho nhan sắc, sức khỏe, tiền bạc, quyền lực... Để rồi cuối cùng một ngày kia, nỏ thần mất mà mình không thấy.

Ai trong chúng ta cũng là Trương Chi Mỵ Nương. Từ sự hiểu lầm. Chỉ vì nghe tiếng hát mà tưởng là người ấy đẹp lắm. Tới lúc gặp rồi vỡ mộng. Như Mỵ Nương chúng ta bị lừa từ bé. Ai khen nựng là thích, thấy ngọt thơm là thích. Thấy người đẹp trai khéo nói là thích. Có người vì anh chàng có hàm răng đẹp, lấy nhau về bị chồng đánh trong ba chục năm vẫn cam chịu, chỉ vì hàm răng đẹp. Khổ lắm. Nên tất cả chúng ta đều là những Mỵ Nương khổ vì giọng hát của Trương Chi. Mỵ Nương trong chuyện khi gặp mặt rồi thì buông. Chúng ta thì lúc muốn buông thì buông không được nữa vì quá nhiều mối ràng buộc.

Chúng ta ở đây đều là Mỵ Nương, là Mỵ Châu. Kẻ thì giao cơ đồ cho giặc, một kẻ thì vì giọng hát mà mê một người không ra gì. Chính vì chúng ta thích tùm lum nên chúng ta mới muốn giữ, muốn sở hữu tùm lum. Chính vì muốn sở hữu đủ thứ mà chúng ta không chịu nổi khi mà nó bị mất đi. Thế là chúng ta gọi đó là khổ.

Trong cái nhìn của người giác ngộ thì thế giới này chỉ có sanh và diệt chứ không có khổ và vui.

Trích bài giảng Vòng Luân Hồi
Kalama xin tri ân bạn dieulienhoa67 ghi chép


Tứ Niệm Xứ | | Hatthisāriputta

Suy Tư Mùa Đại Dịch | | Mahānāma

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com